[REVIEW] Aladdin (2019)
Aladdin (2019) đã không khiến người xem thất vọng.
Sau nhiều lời đồn đoán, chê bai, Aladdin 2019 đã chứng minh chất lượng của mình bằng những cảnh phim hấp dẫn, âm nhạc và những điệu nhảy hớp hồn người xem cũng như duyên dáng trong một số thay đổi để tạo nên nét hiện đại cho phiên bản live action, chứ không đơn thuần là sao chép toàn bộ bản hoạt hình gốc năm 1992.
Phim xoay quanh chàng Aladdin, kẻ trộm khét tiếng ở thành phố Agrabah, Ả Rập. Anh đem lòng yêu công chúa Jasmine tuy không “môn đăng hộ đối” về gia cảnh. Nhưng với sự giúp đỡ của Thần Đèn, Aladdin có được danh phận Hoàng tử để danh chính ngôn thuận cưới công chúa Jasmine. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng như anh nghĩ khi mọi bước đi của anh đều bị Tể tướng Jafar theo dõi – kẻ cũng ham muốn cây đèn thần và phép thuật mà Thần Đèn có thể mang lại.
Bản thân kịch bản của phim hoạt hình gốc năm 1992 vốn đã rất hợp lý và hay, nên thực tế thì nội dung của Aladdin 2019 chẳng phải thay đổi gì nhiều. Sườn chính của câu chuyện và diễn biến gần như được giữ nguyên, tuy nhiên, cách thể hiện của live action vẫn có điểm mới mẻ và sáng tạo, giúp mang lại cho khán giả cảm giác tươi mới như một bộ phim riêng thực thụ. Đây là quyết định dễ hiểu bởi phim hoạt hình gốc vốn không phải là bộ phim dễ dàng làm thành bản điện ảnh người đóng và việc cố gắng để sánh ngang với nó là điều gần như không thể. Thần Đèn của Robin Williams chẳng ai thay thế được, cả Aladdin và Jasmine phiên bản hoạt hình cũng có nét hấp dẫn riêng mà người xem chỉ có thể thấy được qua những nét vẽ tay vui nhộn.
Aladdin 2019 hiểu được điều đó và đã cố gắng giữ lại cốt truyện chính, một trong những yếu tố chủ chốt làm nên thành công của bản hoạt hình, phần âm nhạc kinh điển, đồng thời thêm thắt, xây dựng khác đi một chút để người xem có thể công tâm nhìn nhận Aladdin như một bản phim độc lập, chứ không phải một bản live action sao chép của bộ phim hoạt hình năm xưa.
Aladdin mở đầu rất tốt bằng cảm giác hoài niệm khi xưa của The Adventures of Sinbad (thực ra cũng dễ hiểu bởi cả 2 đều cùng một “lò” Nghìn Lẻ Một Đêm), nghi ngờ về phần trang phục cũng như hình ảnh của phim dần biến mất sau khi người xem bắt đầu hòa vào không khí rộn ràng của Agrabah. Nếu so với trailer hay tv-spot thì trải nghiệm trên rạp khiến khán giả thấy được giá trị cũng như đánh giá cao phục trang của phim nhiều hơn so với trước lúc công chiếu. Disney đôi khi khiến người ta thật khó hiểu khi hình ảnh hay video clip lúc quảng bá trông thật tệ và chỉ khi lên phim rồi người ta mới thực sự thấy nó hay. Trước đó là trường hợp của Beauty and the Beast và nay là Aladdin (kể ra thì thà như thế còn hơn là trước đó được đón nhận nhiệt liệt, nhưng lên phim rồi thì bị chê lên chê xuống vì không như mong đợi).
Âm nhạc đã nối tiếp bản gốc làm nên cái hay của Aladdin. Ngoài phần nhạc gốc kinh điển được giữ nguyên hay mix lại, phim có đưa vào một số bài hát mới của Aladdin hay Jasmine. Có khán giả chê phần nhạc mới không mang âm hưởng Ả Rập như nhạc gốc, nhưng người viết cho đây là ý đồ của nhà làm phim bởi Aladdin ngay từ phần nhìn (thậm chí là chọn lựa diễn viên) vốn đã không phải là bộ phim chặt chẽ đi theo văn hóa Ả Rập, mà còn là sự trộn lẫn với văn hóa Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng như kết hợp giữa cổ tích và hiện đại, giả tưởng và thực tế. Quốc Vương của bản phim 2019 đâu thể là nào là một nhân vật béo tròn, lùn tịt hay mua vui như bản hoạt hình, vậy nên chuyện nhạc phim hay các nhân vật được xây dựng hiện đại hơn cũng không có gì quá khó hiểu.
Như đã đề cập, Aladdin 2019 không phải là bản copy của phim hoạt hình năm 1992, vì thế kể cả nhân vật cũng có sự thay đổi chút đỉnh trong tính cách cũng như cách họ hành xử. Disney xem như đã thành công ở mặt này với Thần Đèn và Jasmine, khiến khán giả chấp nhận được nhân vật Aladdin nhưng lại thất bại với Jafar.
Từng nhận định Thần Đèn của Robin Williams là không thể thay thế, vì thế mà Will Smith đã cố gắng góp phần tạo ra một phiên bản Thần Đèn khác nhưng không quá xa lạ. Vẫn hài hước, lắm mồm, vui nhộn, nhưng không khiến người xem nhầm lẫn giữa hai phiên bản Thần Đèn. Những đoạn tung hứng của nhân vật và Aladdin rất vui nhộn, “cặp đôi tấu hài” này đã mang đến cho khán giả những giây phút vô cùng thoải mái theo một cách rất riêng.
Jasmine của Naomi Scott và Jasmine của bản hoạt hình là hai nhân vật gần như khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, có lẽ nhiều bạn vẫn sẽ thích Jasmine bản gốc nhiều hơn cả mặc dù Naomi Scott vẫn làm rất tốt vai trò của mình. Quyến rũ và biết sử dụng lợi thế ngoại hình, nhưng gai góc và cứng cỏi, chẳng phải tự nhiên mà Jasmine là một trong những nàng công chúa được yêu thích nhất của Disney. Riêng Jasmine của Naomi Scott được xây dựng theo hình mẫu “nữ quyền” ngày nay mà các phim của Disney rất ưa thích. Tuy nhiên, điều khiến người viết cảm thấy dễ chịu là nếu so với một số nhân vật như Clara của Kẹp Hạt Dẻ và Bốn Vương Quốc hay Milly của Dumbo, với cách xây dựng kêu gào bình đẳng giới khiên cưỡng và dễ khiến người xem mệt mỏi vì quá nhàm, thì Jasmine của Aladdin 2019 được xây dựng tinh tế hơn và điều đó giúp nhân vật ghi điểm.
Aladdin của anh chàng diễn viên người Canada gốc Ai Cập Mena Massoud đương nhiên chẳng có nét phong trần gì của bản gốc, nhưng bù lại, những giây phút “ngố tàu” của anh trước công chúa giúp nhân vật trở nên đáng mến hơn. Nếu so với Naomi Scott hay Will Smith thì Mena Massoud diễn chưa hẳn là tốt. Anh chỉ tỏa sáng được khi đi chung với Thần Đèn hoặc Jasmine bởi những màn đối đáp của anh với người bạn xanh lè hay chemistry giữa anh và công chúa thực sự dễ thương hết nấc. Nếu đứng riêng thì vai diễn của anh chưa thực sự ấn tượng.
Cuối cùng, điểm yếu trong dàn nhân vật của Aladdin lại là Jafar. Phản diện ghê gớm của bản hoạt hình trở thành một kẻ đẹp mã hơn, nhưng đáng tiếc là cũng bớt mưu mô và xảo quyệt hơn. Marwan Kenzari trong vai Jafar có phần nhạt nhòa và con vẹt Iago thậm chí còn có một số khoảnh khắc nổi bật hơn anh.
Đương nhiên, Aladdin live action không phải là một bộ phim hoàn hảo bởi nó vẫn có những điểm chưa thực sự khiến người xem hài lòng. Chẳng hạn như cao trào không hoành tráng bằng bản gốc (tuy có thể tạm cho qua bởi phiên bản 1992 vốn dramatic hơn nhiều vì đặc thù thể loại hoạt hình của nó) hay CGI Thần Đèn dừng ở mức khá chứ chưa thực sự xuất sắc. Nhưng ngoại trừ một số điểm trừ đó thì nhìn chung, cái đáng xem của bộ phim nằm ở những yếu tố khác và nó đáng để khán giả bỏ tiền ra thưởng thức. Trông có vẻ như một nồi lẩu thập cẩm với yếu tố đông-tây, cổ trang-hiện đại, Ả Rập-Ấn Độ… kết hợp, nhưng cuối cùng, sự trộn lẫn ấy lại tạo nên thành công cho bộ phim.