[REVIEW] AQUAMAN: Đế Vương Atlantis – DC vs. Marvel và trận chiến chỉ mới bắt đầu
Sau bàn thua gần đây nhất là Justice League trước Marvel thì cuối cùng, DC cũng đã lấy lại phong độ với Aquaman: Đế Vương Atlantis, phim siêu anh hùng tiếp theo của WoDC do James Wan chỉ đạo.
Aquaman: Đế Vương Atlantis xoay quanh nhân vật Arthur Curry/Aquaman (Jason Momoa) và các sự kiện tiếp nối sau Justice League – Liên Minh Công Lý.Vua Orm (Patrick Wilson), em trai cùng mẹ khác cha của Aquaman lúc này đang tìm cách thống nhất 7 vương quốc dưới biển, để được danh chính ngôn thuận trở thành Ocean Master, nhằm khơi mào cuộc chiến với loài người do bao năm nay con người cứ hay gây chiến với Atlantis bằng cách xả đủ mọi loại rác thải xuống biển, gây ô nhiễm môi trường. Aquaman lúc này quyết định trở về Atlantis nhằm ngăn chặn Vua Orm, bảo vệ vương quốc và những người mình yêu thương nhất.
Ơn giời! Cuối cùng thì “cây kéo vàng” của Warner Bros. cũng chịu nhẹ tay với Aquaman khi mạch phim không bị ngắt quãng và khá liền mạch với nhau. Đơn giản, tròn trịa và hợp lý là những gì có thể nói về cốt truyện của Aquaman. Nếu so với Black Panther – Chiến Binh Báo Đen thì nội dung của Aquaman: Đế Vương Atlantis có phần đa dạng hơn và có chiều sâu hơn (cũng không sâu đến độ khó hiểu lắm đâu), không chỉ tập trung vào chuyện giành lại vương quốc mà xen lẫn còn là cuộc phiêu lưu đi tìm cây đinh ba huyền thoại bị thất lạc, thêm vào đó là chút tình cảm lãng mạn.
Nhịp phim đều, gần như không có phút giây nào bị lãng phí, đủ thu hút khán giả và giữ sự chú ý của người xem không bị gián đoạn. Không còn bị phong cách “dark/deep” từ trilogy The Dark Knight định hình, Aquaman: Đế Vương Atlantis có thể thỏa sức đi theo hướng mà mình mong muốn, thoải mái và không gò bó. Từng chỉ đạo cho một phần trong thương hiệu phim đua xe nổi tiếng Fast and Furious, James Wan tiếp tục chứng tỏ tài năng bằng các cảnh hành động “chất phát ngất” trong Aquaman. Cảnh one-shot giữa Black Manta và Aquaman mà chúng ta được xem online trước đó gần như không là gì so với các cảnh hành động còn lại mà chỉ khi xem phim ở rạp, bạn mới có cơ hội được chứng kiến hết.
Thế giới nước trong phim được xây dựng tuyệt đẹp, gợi nhớ phần nào về bối cảnh một thời làm điên đảo màn ảnh 3D đầu tiên trong Avatar của James Cameron, các sinh vật biển trong phim được thiết kế khá kỳ công. Tuy nhiên, CGI nếu để ý kỹ sẽ thấy lộ rõ nhược điểm trông hơi giả ở những khung cảnh quá rộng lớn về mặt kiến trúc của Atlantis, ít nhân vật và ít chuyển động. Một số trang phục của các nhân vật trông có hơi quá “lạc quẻ” so với khung cảnh xung quanh và hơi… cải lương. Tuy nhiên, các nhược điểm này không nhiều và đều có thể được bù đắp lại bằng nét đẹp của các sinh vật, chuyển động của nước và công nghệ của Atlantis được phơi bày trong phim, cũng như cảnh cao trào vô cùng hoành tráng của phim.
Âm thanh, nhạc nền tốt và cá nhân tôi thực sự thích phần nhạc rock được kết hợp khi Aquaman xuất hiện lần đầu, vô cùng hợp hoàn cảnh và hợp nhân vật, hơi tiếc là các phân đoạn này không nhiều lắm. Black Manta đúng là cả trong truyện hay trong phim đều ấn tượng hơn Vua Orm mặc dù ở phần này thì Orm mới là phản diện chính. Phim không tách hoàn toàn khỏi truyện khi một số tình tiết vẫn có liên kết với truyện tranh, chẳng hạn như tại sao Black Manta lại cứ quyết tâm phải trả thù bằng được Aquaman, cũng như gợi ý diễn biến và phản diện cho phần phim Aquaman tiếp theo.
Các vai diễn không có gì khó khăn nên các diễn viên đều có thể làm tốt vai trò của mình. Mối quan hệ của Mera và Aquaman được xây dựng ổn nhờ một số phân cảnh lãng mạn mặc dù thú thật là bản thân người viết không cảm được chemistry giữa nam và nữ chính bởi trông họ có hơi... kỳ, không toát lên được vẻ tình tứ khiến người xem thực sự cảm thấy hấp dẫn.
Theo một fan DC chia sẻ thì Aquaman trong phim có tính cách rất khác so với Aquaman trong truyện. Aquaman của Jason Momoa trong phim lạc quan, vui vẻ, trông có hơi cả ngố và thường hành động rồi mới suy nghĩ. Trong truyện thì nhân vật bạo lực hơn, hành động có chiến lược và không hiền như bản phim. Một phần là do tính cách này đã được định hình từ Justice League, một phần có thể là để dễ dàng tiếp cận với khán giả đại chúng hơn.
Điều này cũng được chứng minh ở các phân đoạn có chút hài xen lẫn, giúp làm giảm đi tính căng thẳng của phim, đồng thời khắc họa thêm phần nào tính cách của Aquaman trong phim.
Một phim siêu anh hùng đầy đủ yếu tố giải trí được thực hiện chỉn chu như có chút hài, hành động hấp dẫn, thông điệp đơn giản (giải cứu thế giới, đi tìm chính mình…) và kỹ xảo hoành tráng, Aquaman: Đế Vương Atlantis xứng đáng là lựa chọn hàng đầu cho các fan phim nói chung và fan phim DC/siêu anh hùng nói riêng. Phim có một after-credit, các bạn nhớ nán lại một chút để xem nhé!
Không biết liệu các fan của DC – những người vẫn tự hào về phong cách đen tối của phim DC, cũng như chê mảng hài của Marvel nghĩ thế nào về Aquaman? Còn các fan Marvel, các bạn sẽ nghĩ sao nếu biết rằng cuối cùng thì đối thủ thực sự của mình cũng đã bắt đầu xuất hiện? Trận chiến giữa DC và Marvel thực sự chỉ mới bắt đầu và Aquaman: Đế Vương Atlantis chính là bộ phim khơi ngòi nổ.