[GIỚI THIỆU] Resident Evil: Quỷ Dữ Trỗi Dậy
Resident Evil: Quỷ Dữ Trỗi Dậy
Biên kịch kiêm đạo diễn Johannes Roberts đã chuyển thể một trong những trò game sinh tồn kinh dị vô cùng nổi tiếng sang phiên bản live-action - Resident Evil: Welcome To Raccoon City (Quỷ Dữ Trỗi Dậy) với rất nhiều những chi tiết thú vị và bám sát vào loạt trò chơi gốc,
Resident Evil: Welcome To Raccoon City (Quỷ Dữ Trỗi Dậy) đưa chúng ta theo chân nhóm cảnh sát của Thành phố Raccoon và các thành viên của đội Cứu hộ và Tác chiến đặc biệt, khi họ bị mắc kẹt tại một thị trấn nhỏ và đối mặt với đợt bùng phát đại dịch zombie do Tập đoàn Umbrella, một siêu công ty dược phẩm mờ ám đứng đằng sau. Những người này phải lên kế hoạch và tìm mọi cách để có thể để thoát khỏi thành phố Raccoon. Khi cuộc hỗn loạn xảy ra, Claire Redfield (Kaya Scodelario), đã trở lại thị trấn này nhằm cảnh báo anh trai cô là Chris (Robbie Amell) rằng Umbrella không hề tốt đẹp một chút nào.
Và từ đây, chúng ta sẽ được theo dõi hành trình của những nhân vật quen thuộc bước ra từ trong game, bao gồm: bộ đôi chị em Claire và Chris Redfield, cảnh sát tân binh Leon S. Kennedy (Avan Jogia), đặc vụ Jill Valentine (Hannah John-Kamen) và Albert Wesker (Tom Hopper), đối đầu với thủ lĩnh của Công ty Umbrella là William Birkin (Neal McDonough).
Không giống như thương hiệu phim Resident Evil mà chúng ta từng biết của Paul W. S. Anderson, bản chuyển thể lần này của Roberts tiếp cận trung thành với bản gốc từ game hơn. Và nó đã hiệu quả. Bất cứ một game thủ nào từng chơi qua trò chơi này sẽ lập tức nhận ra - khi xem Resident Evil: Welcome to Raccoon City (Quỷ Dữ Trỗi Dậy) - là nó bám rất sát vào những điều cơ bản của trò chơi.
Trò chơi đầu tiên trong loạt game Resident Evil được gọi là kinh dị sinh tồn và Roberts đã tạo ra một bộ phim chính xác với “tone” đó - một bộ phim kinh dị sinh tồn với phần dàn trải hợp lý sự xuất hiện của các nhân vật trong phim. Qua việc lấy bối cảnh phim năm 1998, thì bộ phim cũng bày tỏ sự tôn trọng với hai trò chơi đầu tiên của loạt game (phát hành lần lượt vào năm 1996 và 1998).
Ngoài ra, Resident Evil: Welcome to Raccoon City cũng lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh dị của John Carpenter từ những năm 70 và 80, trong đó những tác phẩm ảnh hưởng đáng chú ý nhất của John phải kể đến là Halloween, Assault on Precinct 13 và The Fog. Những cảm hứng này gần như có thể nhận ra ngay lập tức đối với những người hâm mộ dòng phim kinh dị của Carpenter như cách di chuyển của máy quay, cách sử dụng hiệu ứng và âm nhạc.
Phần kỹ xảo của Maxime Alexandre trong phim cũng mang lại cho nó một vẻ “mỹ miều” và chân thật, đặc biệt là hình ảnh iconic: những mảng màu đỏ bao trùm bộ phim và một cơn mưa bất tận trông như máu. Khác với những bộ phim Resident Evil trước đây, Welcome to Raccoon City đã thành công trong việc không lạm dụng zombie quá nhiều ở các cảnh phim. Thay vào đó, nó xây dựng sự hồi hộp và kịch tính bằng cách tăng từ từ số lượng zombie khi các nhân vật chạy đua với tử thần.
Trong khi Roberts làm rất tốt việc truyền tải bản chất của trò chơi và câu chuyện cốt lõi của nó lên màn ảnh, thì dàn nhân vật lại được xây dựng một cách rất khó chịu. Việc mọi người liên tục sử dụng từ ngữ thô tục không làm cho một nhân vật trở nên thú vị mà chỉ khiến người xem cảm thấy "bội thực". Thêm nữa, các nhân vật thường trông giống như những kẻ ngốc, đặc biệt là khi đối mặt với những tình huống rõ ràng là rất tồi tệ, nhưng họ lại thể hiện bằng ánh mắt vô hồn đầy bối rối. (Nếu một người phụ nữ đáng sợ xuất hiện ở cửa sổ và “phun” ra một thông điệp rùng rợn, đừng hỏi cô ta có cần giúp đỡ gì không. Hãy chạy đi!) Nhưng may là cốt truyện chặt chẽ đã cứu cánh cho sự nhạt nhẽo của nhân vật.
Ngay từ khi phim Resident Evil: Quỷ Dữ Trỗi Dậy công bố những hình ảnh quảng bá đầu tiên, rất nhiều fan của game đã lên tiếng chỉ trích về phần phục trang và dàn diễn viên, không giống với bản gốc của game. Thế nhưng, với cốt truyện hay ho như thế này, Bắp hi vọng nó sẽ lấp đi những thiếu soát của bộ phim và đem đến những thành công nhất định, tạo tiền đề cho những dự án tiếp theo trong tương lai.