[GIỚI THIỆU] Trạng Tí
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký dễ hiểu, dễ xem với các khán giả nhí, dù các em có đọc truyện hay chưa.
Dựa theo bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt của họa sĩ Lê Linh, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký (2021) kể về cậu bé Tí (Hữu Khang), mồ côi cha, sống ở làng Phan Thị với mẹ Hai Hậu. Không có cha, Tí bị người làng dè biểu là con hoang, coi thường đủ kiểu.
Duy chỉ có Dần, Sửu và Mẹo là bằng lòng bỏ qua điều tiếng thân thiết với Tí, dù Mẹo có lúc cũng lấy việc Tí không cha ra châm chọc bạn. Một ngày, nghe đồn sư trụ trì Thích Thông Tuệ của chùa Phật Quang biết hết mọi chuyện trên đời, thế là đám nhóm tì làng Phan Thị quyết định dấn thân vào một hành trình gian nan lên chùa, mong biết được danh tính thật sự của cha Tí.
Mặc dù lấy tinh thần là sử dụng bộ truyện Thần Đồng Đất Việt làm cảm hứng cho phim, Trạng Tí Phiên Lưu Ký dễ làm người xem cảm thấy họ đang xem một bộ phim hoàn toàn khác. Hoặc nếu khán giả đã quen thuộc với nguyên tác truyện tranh, phim giống như một phần tiền truyện trước sự kiện Tí lên Kinh Thành thi cử.
Mặc dù có những phân đoạn gợi nhắc khán giả về bộ truyện như việc Tí gọi bưởi, đo đạc bằng trí thông minh của mình, phim hầu như không có điểm nhấn nào đáng nhớ. Câu chuyện Tí tìm cha quá dễ đoán. Cú twist rất dễ nhận ra. Thậm chí sự lựa chọn của Tí ở cuối phim cũng có thể dễ dàng suy luận. Nhịp điệu phim lại dàn trải. Truyền thuyết về hang Thần Hổ rõ là lấy cảm hứng từ hang kỳ diệu trong Aladdin (1992) của Disney. Nhiều phân đoạn diễn ra trong hang lại không hợp với logic.
Việc Tí bị gọi là con hoang cũng mang tính chất thực tế và hợp lý đối với bối cảnh thời đại của phim. Phan Thị chỉ là một làng hư cấu, nên việc các diễn viên nhí có gốc gác, giọng điệu khác nhau cũng không phải điều to tát.
Quan trọng nhất vẫn là Trạng Tí Phiêu Lưu Ký chưa đủ sức làm toát lên được sự thông minh, lém lỉnh, nhiều lúc ranh ma của Tí, sự mưu mô của Cả Mẹo hay tính cơ hội trẻ con của Dần Béo, cái Sửu thì lại mờ nhạt. Nguyên nhân có thể là do diễn xuất còn non nớt của dàn diễn viên nhí và kịch bản khác biệt. Nhưng ở tuổi của các em, những màn thể hiện trong phim cũng được coi là khá.
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký hầu như không có sự lém lỉnh, nhí nhố của bộ truyện. Thay vào đó, phim tập trung vào yếu tố huyền ảo để thêu dệt một câu chuyện mang tính chất thần bí, nhất là về nguồn gốc của Tí.
Bỏ qua vụ lùm xùm về bản quyền, về họa sĩ Lê Linh, tôi tự hỏi liệu Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đã cải biên quá đà đến mức làm mất đi cái hồn của nguyên tác? Sáng tạo không sai, nhưng có nên không khi sửa chữa những thứ vốn dĩ không hề hỏng hóc.
Tí, Sửu, Dần, Mẹo là cốt lõi của Thần Đồng Đất Việt, nhưng không phải nhờ vào yếu tố huyền bí, mà là nhờ vào tính cách lớp lang và các cuộc phiêu lưu gay cấn gắn liền với lịch sử Việt Nam. Điều này đáng tiếc lại không được thể hiện trên phim. Ngược lại, chúng ta được chứng kiến một câu chuyện Tí làm gì trước khi trở thành “Trạng” đậm chất cổ tích và hiệu ứng đặc biệt đậm mùi Disney.
Hoặc đây có thể là do đạo diễn cố tình đem đi giấu, nhằm sử dụng nó làm tiền đề cho phần tiếp theo. Nhiều chi tiết trong đây không hề giấu diếm ý định làm nhiều phần phim kế tiếp của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Nguồn: Moveek